Bật mí 5 “cửa sáng” để chủ đầu tư tránh khỏi khủng hoảng khi nhượng quyền thương hiệu F&B

06/07/2024 12:07

Ngành F&B hiện đang chứng kiến nhiều thương vụ nhượng quyền hơn bao giờ hết, thậm chí là “vô tội vạ” khiến thị trường ngày càng trở nên chật chội và bão hòa.

 

Thời gian gần đây, nhượng quyền thương hiệu đang trở thành từ khóa được rất nhiều người quan tâm, nhưng không phải vì cơ hội hay tiềm năng có thể đem lại cho các chủ đầu tư, mà bởi những bất cập xoay quanh mô hình này. Ngành F&B hiện đang chứng kiến nhiều thương vụ nhượng quyền hơn bao giờ hết, thậm chí là “vô tội vạ” khiến thị trường ngày càng trở nên chật chội và bão hòa. Vậy rốt cuộc, mô hình này vì đâu nên nỗi? Và liệu hợp tác nhượng quyền có còn là cơ hội kinh doanh đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư nữa hay không?

 

1. Nhượng quyền thương hiệu và cơ hội kinh doanh “vàng”

Những năm gần đây, mô hình hợp tác nhượng quyền thương hiệu ngày càng được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Mô hình kinh doanh này được xem là hình thức giúp những người có vốn, muốn khởi nghiệp nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm có thể dễ dàng hơn trong việc tổ chức quản lý, vận hành một cửa hàng. Vì lẽ đó, nhượng quyền thương hiệu đang ngày càng phổ biến hơn trong ngành F&B, là một trong những “cánh tay” đắc lực đưa ngành kinh doanh ăn uống và ẩm thực Việt Nam phát triển không chỉ ở thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.

 

 

Có thể nói, nhượng quyền thương hiệu là mô hình kinh doanh đầy tiềm năng, được đánh giá cao về khả năng phát triển cho thương hiệu nhượng quyền lẫn các đối tác nhận nhượng quyền. Bằng hình thức hợp tác nhượng quyền, ngành F&B trong nước ghi nhận sự phát triển vượt bậc của nhiều thương hiệu Việt như Trung Nguyên Legend, Highlands Coffee, Guta Café, Passio Coffee, Cộng Cà Phê, Vua Cua, Phở 24, Mì Cay Sasin,… Trong đó, có không ít thương hiệu đã “xuất ngoại” bằng hình thức nhượng quyền và đạt được nhiều thành tựu như Trung Nguyên Legend, Highlands Coffee, Cộng Cà Phê,…

Theo Bộ Công Thương thống kê, trong vòng 10 năm trở lại đây, hơn 50% thương vụ nhượng quyền được ký kết tại Việt Nam đều thuộc lĩnh vực F&B. Điều này cho thấy hoạt động hợp tác kinh doanh nhượng quyền F&B tại Việt Nam đang diễn ra hết sức sôi động và hứa hẹn vẫn sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai.

 

2. Thị trường “bội thực” nhượng quyền thương hiệu

Tuy nhiên, có lợi thế thì cũng sẽ đi kèm hạn chế. Từ mô hình kinh doanh đầy tiềm năng, nhượng quyền thương hiệu dần bộc phát nhiều rủi ro khiến các chủ đầu tư không khỏi lo lắng cho hoạt động kinh doanh của mình. Rõ rệt nhất chính là làn sóng nhượng quyền ồ ạt đã khiến ngành F&B Việt Nam đang dần bị “lờn” khi có quá nhiều thương hiệu cùng tham gia vào mô hình này, khiến thị trường dần trở nên chật chội, thoái trào, thậm chí là tự triệt hạ cơ hội kinh doanh của đối thủ lẫn chính mình.

Câu chuyện về thương hiệu Mixue vừa qua như một minh chứng điển hình. Nổi tiếng là thương hiệu trà sữa giá rẻ không chỉ về giá thành menu mà còn cả chi phí nhượng quyền, Mixue tuy có mặt tại Việt Nam chưa đến 4 năm nhưng đã nhanh chóng mở được hơn 1.000 cửa hàng. Đây được xem như là tốc độ phát triển kỷ lục chưa từng có trong lịch sử F&B Việt Nam. Chỉ với một chữ “rẻ” trong chiến lược kinh doanh của mình, Mixue thành công hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia nhượng quyền và từng bước “phủ đỏ” khắp Việt Nam trong thời gian rất ngắn.

 

 

Không quá khó để nhìn thấy hàng loạt các cửa hàng nhượng quyền Mixue xuất hiện sát ngay cạnh nhau trên mỗi cung đường. Thế nhưng, việc với mật độ dày đặc như vậy không chỉ không thể tăng hiệu quả hoạt động cho cửa hàng, mà ngược lại còn khiến lượng khách bị pha loãng và tự “giẫm đạp” lên thị trường của nhau dù kinh doanh cùng mặt hàng và thương hiệu. Không ít chủ đầu tư nhượng quyền của Mixue đã phải lên tiếng về vấn đề này, cho biết thời gian thu hồi vốn lâu hơn dự kiến, thậm chí là đang gồng lỗ và không có khả năng thu hồi vốn.

Bên cạnh đó, khi một thương hiệu đi quá nhanh bằng mô hình kinh doanh nhượng quyền thì mọi thứ sẽ trở nên công nghiệp hơn, nhân rộng nhanh khiến thương hiệu mất dần sự tinh tế trong trải nghiệm chất lượng của mình. Những thương hiệu không tỉnh táo trong phân tích thị trường sẽ dễ bị cuốn theo các kiểu cạnh tranh bằng “đu trend”, và người thiệt thòi hơn hết không ai khác chính là những người mua nhượng quyền.

3. Những điều cần lưu ý trước khi quyết định hợp tác nhượng quyền thương hiệu

3.1. Cân nhắc tính khả thi của mô hình nhượng quyền thương hiệu

Trước khi quyết định hợp tác nhượng quyền với bất cứ thương hiệu nào, chủ đầu tư sẽ cần tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng để dự tính được nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu nhượng quyền, từ đó xác định hiệu quả hoạt động tại khu vực địa phương. Ví dụ như, sản phẩm có được ưa chuộng tại khu vực hay không, mức độ cạnh tranh giữa các thương hiệu kinh doanh cùng mặt hàng, tiềm năng phát triển trong tương lai,… Để tránh trường hợp đầu tư số tiền quá lớn nhưng thời gian hòa vốn lâu, quá trình nghiên cứu và phân tích thực tế này cần được thực hiện trong vài tuần để có được kết quả đầy đủ và chính xác nhất.

 

 

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu thương hiệu nhượng quyền về quy trình chế biến sản phẩm có dễ bị sao chép không, sản phẩm có yếu tố bí quyết công nghệ không, vòng đời sản phẩm có dài không,… Theo đó, nếu vòng đời sản phẩm chỉ từ 6-12 tháng thì phải cân nhắc tính khả thi của mô hình. Ông ông Bùi Thanh Cao, chuyên gia trong lĩnh vực nhượng quyền cho biết, tùy vào mô hình kinh doanh mà lãi gộp của ngành F&B thường dao động từ 45%-70%, nếu dưới mức này rủi ro rất cao.

3.2. Chuẩn bị ngân sách đầu tư

Hợp tác nhượng quyền thương hiệu là một khoản đầu tư tốn kém. Ngay cả với những thương hiệu được mời chào hấp dẫn dưới mác “nhượng quyền giá rẻ” như Mixue thì chi phí đầu tư cũng rơi vào khoảng vài trăm triệu đến hơn tỷ đồng cho một cửa hàng đơn giản. Do vậy, nhà đầu tư phải hiểu rõ tất cả các chi phí liên quan để có sự chuẩn bị tốt nhất. Sẽ có ba yếu tố chính cần xem xét khi nói đến tài chính nhượng quyền bao gồm khoản đầu tư ban đầu, vốn lưu động và chi phí vận hành.

Thông thường, phía thương hiệu sẽ chia sẻ cho đối tác biết mức đầu tư để mua nhượng quyền và cung cấp báo cáo tài chính từ các cửa hàng đối tác nhượng quyền đang hoạt động. Nếu phía thương hiệu từ chối cung cấp thông tin này thì chủ đầu tư nên trao đổi kỹ hơn vì nhượng quyền này có thể không mang lại lợi nhuận như mong đợi.

 

 

Sau khi xác định được các chi phí liên quan đến việc mua và vận hành cửa hàng nhượng quyền, chủ đầu tư nên lập các dự báo tài chính của riêng mình để cân nhắc khả năng có đủ tiềm lực để trụ vững cho đến khi thu được lợi nhuận hay không. Cuối cùng, xem xét cả các vấn đề tài chính có thể khiến khoản đầu tư thất bại cũng rất quan trọng trước khi quyết định mua nhượng quyền.

3.3. Nhận diện rủi ro từ hợp đồng

Thương hiệu nhượng quyền hoạt động hiệu quả đều nhờ vào các nguyên tắc và điều khoản thỏa thuận cần tuân theo dành cho bên nhận quyền. Vì vậy, bên nhận quyền cần phải tìm hiểu kỹ để biết những gì có thể và không thể làm, đồng thời thực hiện đúng theo các thỏa thuận này và lưu ý bất kì hạn chế và giới hạn nào để tránh các tình huống bất ngờ.

 

 

Hầu hết các thỏa thuận nhượng quyền có lợi cho bên nhượng quyền (thương hiệu) hơn bên nhận quyền (nhà đầu tư). Do vậy, đừng ngần ngại thương lượng các điều khoản trong hợp đồng nhượng quyền với bên nhượng quyền (thương hiệu). Một số vấn đề quan trọng cần lưu ý trong hợp đồng nhượng quyền như các vấn đề về định giá, phí chuyển nhượng và phương thức thanh toán, việc tăng giảm giá bán phải có sự đồng ý của hai bên, hiệu lực hợp đồng,… Những bên nhượng quyền (thương hiệu) tốt sẽ lắng nghe và đưa ra giải pháp phù hợp cho đôi bên.

Trong trường hợp nếu không rõ hoặc không hiểu nội dung các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng nói gì, bên nhận quyền nên tham vấn ý kiến của luật sư có chuyên môn trong lĩnh vực này để có đánh giá pháp lý toàn diện, nhận diện các rủi ro và đưa ra các tư vấn phù hợp cho mình trước khi đặt bút ký vào hợp đồng.

3.4. Việc đào tạo và hỗ trợ đối tác nhận quyền

Một cơ hội nhượng quyền tốt là khi bên nhượng quyền (thương hiệu) chú trọng nhiều vào sự phát triển của các đối tác nhận quyền và sự tăng trưởng thương hiệu của họ. Chính vì thế, hãy cân nhắc hợp tác với những thương hiệu nhượng quyền luôn cung cấp các chương trình đào tạo toàn diện mọi khía cạnh liên quan đến quá trình mua và vận hành nhượng quyền. Điều này bao gồm phạm vi sản phẩm của thương hiệu, đào tạo vận hành và cách xử lý tài chính nhượng quyền. Quá trình đào tạo ban đầu từ thương hiệu mẹ rất quan trọng vì chúng sẽ giúp cửa hàng nhận quyền nhanh chóng bắt kịp mô hình, đồng nhất chất lượng và chiến lược kinh doanh của thương hiệu.

 

 

Ngoài ra cũng hãy đảm bảo phía thương hiệu cam kết sẽ hỗ trợ liên tục nhà đầu tư bất cứ lúc nào. Mặc dù mở cửa hàng nhượng quyền sở hữu nhiều lợi thế sẵn có từ thương hiệu mẹ, thế nhưng trong quá trình kinh doanh ít nhiều vấn sẽ gặp khó khăn và cần đến sự hỗ trợ từ phía có kinh nghiệm hơn. Nhất là với những chủ đầu tư lần đầu kinh doanh thì chắc chắn sẽ cần chuyên gia để hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh.

3.5. Quy trình thoát nhượng quyền thương hiệu

Việc đánh giá quy trình thoát nhượng quyền trước khi mua nhượng quyền thương hiệu nghe có vẻ lạ, nhưng lại rất cần thiết. Rõ ràng mọi thứ không phải lúc nào cũng diễn ra theo đúng kế hoạch đã vạch sẵn, và có thể sẽ phát sinh những vấn đề không mong muốn trong thời gian kinh doanh buộc phải từ bỏ nhận quyền. “Chừa đường lui” với các thỏa thuận thoát nhượng quyền cho phép các chủ đầu tư có thể chấm dứt hợp đồng mà không gặp phải các vấn đề khác như phía thương hiệu không chấp nhận hoặc phải bỏ ra phí đền bù hợp đồng. Đối tác nhượng quyền có thể trao đổi với phía thương hiệu về quy trình chấm dứt hoặc xem xét hợp đồng chấm dứt với một luật sư có kinh nghiệm.

4. Tạm kết

Nhượng quyền thương hiệu ở thời điểm hiện tại tuy tồn tại lắm rủi ro, nhưng vẫn không thể phủ nhận tiềm năng và cơ hội mà mô hình này mang đến cho những ai muốn bắt tay vào kinh doanh, đặc biệt là với lĩnh vực F&B. Hơn hết, tỉnh táo và cẩn trọng sẽ là hai từ khóa quan trọng chính giúp các nhà đầu tư có được quyết định đúng đắn trước khi lựa chọn hợp tác với bất kỳ thương hiệu nhượng quyền nào.

Bài viết liên quan

Thong ke